null Chủ động thích ứng với giá phân bón tăng

Trang chủ Thông tin thị trường

Chủ động thích ứng với giá phân bón tăng

Năm 2021, ngành phân bón thế giới và trong nước liên tục chứng kiến giá phân bón tăng nhanh và cao nhất trong lịch sử. Bà con nông dân cần làm gì để thích ứng?

Năm 2021 là năm cả thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhất là khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát khiến tất cả các ngành đều bị ảnh hưởng, trong đó có ngành phân bón. Đến những ngày đầu tháng 11/2021, giá Ure thế giới đã dao động 800 - 900 USD/tấn, kéo giá Ure trong nước lên 16.500 - 17.000 đồng/tấn. 

Chương trình “Canh tác lúa thông minh” của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền phối hợp với
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và trung tâm khuyến nông các tỉnh ĐBSCL cho hiệu quả cao.
Ảnh: Phan Tâm.

Đến thời điểm này, không ai dự báo được tình hình giá phân bón tăng một cách chóng mặt và luôn phá vỡ các kỷ lục giá trước đó. Với giá phân bón dao động, nhảy múa như giá vàng, đã không chỉ làm nông dân lo lắng, mà ngay cả các công ty sản xuất, nhập khẩu, thương mại cũng lo không kém, bởi không khéo sẽ "vỡ trận" và phá sản khi thị trường thế giới đảo chiều.

Vì vậy, nông dân cũng tập và quen dần với sự biến động của thị trường, áp dụng linh hoạt các giải pháp kỹ thuật trong canh tác nhằm giảm chi phí, đảm bảo lợi nhuận trước khi chờ các chính sách, chương trình bình ổn.

Chuẩn bị vào vụ đông xuân (ĐX) 2021 - 2022, đây là vụ lúa có năng suất và chất lượng tốt nhất trong năm do tận dụng được các điều kiện như đất được nghỉ ngơi, được bồi bổ dưỡng chất sau một mùa mưa, lũ; thời tiết thuận lợi để lúa phát triển, khi lúa trỗ bông và thu hoạch gặp nắng tốt, không mưa bão.

Chính tiềm năng năng suất của vụ lúa ĐX nên nông dân tập trung khai thác tối đa để năng suất cao nhất, mà chưa quan tâm đến hiệu quả đầu tư, dẫn đến lợi nhuận không cao. Năm nay, khi giá phân bón đang ở mức rất cao, nếu không có các giải pháp kỹ thuật thích ứng linh hoạt, bà con sẽ có một vụ mùa không thuận lợi.

Vụ ĐX 2021 - 2022, bà con cần chú ý sạ thưa, áp dụng kỹ thuật canh tác lúa phù hợp
để tiết kiệm chi phí mà vẫn giữ được năng suất lúa cao. Ảnh: LHV.

Chẳng hạn, nông dân thường sạ dày nên cần bón phân với lượng cao, sử dụng phân qua lá, chất kích thích, dinh dưỡng và bảo vệ thực vật nhiều, điều này giúp bà con an tâm năng suất nhưng kèm theo là lợi nhuận không cao, do qúa nhiều chi phí, nhất là các chi phí không cần thiết. Vì vậy, để đảm bảo lợi nhuận, canh tác hiệu quả, chúng tôi có những gợi ý với bà con cần áp dụng trong vụ ĐX này như sau:

- Sạ thưa, linh hoạt sử dụng các phương pháp sạ hàng, sạ bằng tay, bằng máy phun hạt hay sạ cụm bằng máy với lượng giống không quá 80 kg/ha. Với lượng giống này, vẫn đảm bảo đủ cho năng suất 8 - 10 tấn/ha nếu như bà con chăm bón đúng.

Bà con cần sử dụng phân bón và bón phân một cách thông minh theo giống và lượng giống gieo sạ, kèm kỹ thuật canh tác. Với lượng giống 80 kg/ha, chỉ cần bón để nuôi một nhánh chính, hai nhánh phụ là đảm bảo đủ số chồi, đảm bảo năng suất.

Bà con nhớ cần bón sớm để có ngạnh trê khoẻ, tương đương với nhánh chính, điều này sẽ giúp số hạt trên bông cũng như số hạt chắc nhiều hơn. Với lượng giống thế này, bà con không cần bón với lượng trên 100 đạm, chỉ cần bón 90 - 93N cũng có thể cho năng suất trên 8 tấn/ha. Lân và kali cũng không cần bón cao chỉ cần 40 - 45 P2O5 (nếu đất không phèn, có pH trên 5.0) và 30 - 40 K2O là đáp ứng cho năng suất mà bà con mong đợi.

- Không phun xịt các loại phân bón qua lá, kích thích, dinh dưỡng bổ sung, thuốc BVTV không thiết. Với việc áp dụng kỹ thuật sạ thưa, bón phân NPK để nuôi các chồi hữu hiệu, lúa sẽ khoẻ, ít chồi vô hiệu nên sẽ giảm áp lực sâu bệnh.

Bón phân hợp lý sẽ giúp tiết kiệm được rất lớn chi phí sản xuất, tránh lãng phí. Ảnh: LHV.

Đặc biệt, bà con cần bỏ thói quen bón phân nhiều cho lúa tốt, sau đó phun các chất như MKP, Bonsai hay các chất kìm hãm… làm cho lúa sựng lại, lúa cứng cây và chuẩn bị để ra bông, điều này làm tăng chi phí phân bón và cả chi phí thuốc BVTV, tăng chi sản xuất.

- Có thể tham khảo vá áp dụng theo chương trình “Canh tác lúa thông minh” của Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền phối hợp với Trung tâm khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh ĐBSCL. Trong vụ ĐX 2020 - 2021, chương trình cũng chỉ sử dụng giống dưới 80 kg, lượng phân NPK 85 - 93N, 45 - 60 P2O5, 40 - 55 K2O đã có năng suất trên 8 tấn/ha.

+ Trường hợp 1: Vùng đất phù sa với 4 hộ ở ấp Quang Huy, xã Hiếu Phụng, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long, sử dụng 70 kg giống/ha, chỉ bón 300 kg Đầu Trâu TE A1 cho lúa nhỏ, và đón đòng 150 Đầu Trâu TE A2 (88,5 N – 48 P2O5 – 52,5 K2O + 9S+TE) so với 115 kg giống với lượng đạm là 103,2N, lân là  87,4 P2O5 và 42 K2O.

Kết quả sạ thưa số bông chỉ 423 so với 430 nhưng nhờ có bông to hơn, số hạt chắc nhiều hơn nên năng suất đạt 8 tấn/ha so với 7.2 tấn/ha, lợi nhuận cũng tăng thêm trên 6 triệu/ha.

+ Trường hợp 2: Ở vùng đất phèn xã Tà Đảnh, Tri Tôn, An Giang cũng với lượng giống 70 kg/ha, nhưng chương trình bón lót thêm 100 kg Đầu Trâu mặn phèn vào đầu vụ (do Tà Đảnh là vùng thuộc đất phèn của Tứ giác Long Xuyên) so với nông dân bón đến 103 đạm, 75 lân và đến 95 kali, vậy là bà con bón quá dư lân và kali. Kết quả sạ thưa đạt năng suất 8,57 tấn so với 8,19 tấn/ha.

Bà con nông dân cần chủ động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhất là giảm giống, sạ thưa một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, áp dụng việc bón phân đủ để nuôi chồi hữu hiệu, áp dụng các biến pháp xiết nước để sử dụng hiệu quả dinh dưỡng cho các chồi con, tránh việc sử dụng dinh dưỡng nuôi chồi vô hiệu, không phun thuốc, phân bón quá lá, chất kích thích một cách tuỳ thich, bước đầu tuy khó những sẽ thực hiện được.

Việc áp dụng đúng kỹ thuật sẽ giúp bà con nông dân giảm được các chi phí không cần thiết để bù đắp vào giá phân đang cao, giúp bà con vẫn chủ động, đảm bảo năng suất cao và lợi nhuận như mong muốn.

 

Theo Th.S PHAN VĂN TÂM

https://nongnghiep.vn/chu-dong-thich-ung-voi-gia-phan-bon-tang-d308227.html

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn