null Quý II/2021: Nhiều “cửa sáng” cho xuất khẩu dệt may

Trang chủ Thông tin thị trường

Quý II/2021: Nhiều “cửa sáng” cho xuất khẩu dệt may

Đơn hàng khả quan, nhu cầu tiêu dùng cải thiện là những dự báo tích cực cho xuất khẩu của ngành dệt may trong quý II/2021. Đó là chia sẻ của ông Cao Hữu Hiếu - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam - với phóng viên Báo Công Thương.

Thưa ông, kim ngạch xuất khẩu quý I/2021 của nhóm ngành may mặc tăng nhẹ, đây có phải là dấu hiệu hồi phục của thị trường không? Tình hình đơn hàng của doanh nghiệp dệt may hiện ra sao?

Năm 2021, khả năng phục hồi thị trường tốt hơn hẳn so với năm 2020, dù vậy khả năng đạt đến mức tăng trưởng cao như năm 2019 còn là mục tiêu cao đối với các doanh nghiệp. Thị trường đang biến động rất nhanh, nhiều chiều ngược nhau, nhất là đơn giá sản phẩm và nguyên liệu. Tuy nhiên cũng có những tín hiệu thuận lợi với việc tiêm vaccine Covid-19 diện rộng, có khả năng đạt miễn dịch cộng đồng.

Ở thời điểm hiện tại, phần lớn doanh nghiệp may trong ngành đã có đơn hàng đến hết quý III/2021, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng cho cả năm 2021. Nguyên do của tình hình khả quan này là thị trường dệt may toàn cầu có sự hồi phục bởi các gói hỗ trợ về kinh tế và các thông tin tích cực về vaccine, do đó nhu cầu các mặt hàng nói chung và may mặc nói riêng đã phần nào hồi phục trở lại; việc chuyển dịch đơn hàng từ các nước quốc gia cạnh tranh và đặc biệt từ Myanmar giúp cho Việt Nam đón nhận một lượng đơn hàng đột biến ngay từ quý I/2021.

Tình trạng thiếu container rỗng cũng như chi phí logistics tăng cao thời gian qua đã tác động như thế nào đến doanh nghiệp dệt may, thưa ông?

Đối với doanh nghiệp may mặc gia công xuất khẩu tình trạng thiếu container rỗng cũng như chi phí logistics không ảnh hưởng quá nhiều bởi khách hàng chịu các chi phí này, giá chủ yếu doanh nghiệp thu về là giá gia công. Tuy nhiên ở tầm vĩ mô, giá logistics và thiếu container rỗng diễn ra quá nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến vị thế của Việt Nam như một nhà cung cấp may mặc hấp dẫn.

Ông Cao Hữu Hiếu- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Với doanh nghiệp xuất khẩu FOB (sản xuất, hoàn thiện và vận chuyển hàng ra cảng biển), ODM (thiết kế mẫu, thu mua nguyên vật liệu, cắt may, hoàn thiện sản phẩm, đóng gói và ship hàng), giá logistics tăng cao và thiếu container rỗng kéo theo chi phí tăng, thời gian giao hàng bị kéo dài, ảnh hưởng tới khách hàng. Trong lúc này, tùy với mỗi đối tác, doanh nghiệp dệt may sẽ có sự hợp tác, chia sẻ khó khăn.

Dịch Covid-19 có khiến nhu cầu tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu của ngành có thay đổi gì không? Doanh nghiệp đã chuẩn bị như thế nào cho sự thay đổi này, thưa ông?

Năm 2020 là 1 năm khó khăn với nền kinh tế thế giới nói chung và ngành dệt may nói riêng. Trong 9 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới nền kinh tế toàn thế giới. Các doanh nghiệp ngành thời trang bị ảnh hưởng trầm trọng. Theo Mckinsey, hơn 70% người tiêu dùng châu Âu và Hoa Kỳ dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu cho trang phục, ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh: Doanh thu sụt giảm, chi phí tăng cao, đặc biệt là chi phí lưu kho, dòng tiền cạn kiệt, áp lực lãi vay ngày một nặng nề… Tổng cầu dệt may toàn thế giới giảm, kéo theo tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may toàn cầu năm 2020 chỉ đạt 661 tỷ USD, giảm 12,4% so với năm 2019.

Tuy nhiên cho tới đầu năm nay, ngay từ quý I/2021, ngành dệt may Việt Nam đã đón nhận những tin tức tốt về đơn hàng, điều này chứng tỏ thị trường dệt may đang hồi phục và chúng tôi tin tưởng tới năm 2022 những ảnh hưởng của Covid-9 sẽ được khắc phục. Về giải pháp, vừa qua nhiều doanh nghiệp may mặc đã linh hoạt trong chuyển sang sản xuất, xuất khẩu khẩu trang, quần áo phòng dịch và thu được kết quả khá khả quan, giúp duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Nhiều tín hiệu tốt cho xuất khẩu dệt may trong quý II/2021

Ngoài ra, khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn cũng là dịp các doanh nghiệp nhìn nhận và đánh giá lại thị trường nội địa - một thị trường rất tiềm năng mà trong suốt thời gian qua doanh nghiệp trong nước đã “lãng quên” hay đầu tư chưa tương xứng. Các đơn vị đã chủ động đầu tư vào các khâu thiết kế, marketing, lựa chọn nguyên liệu… để phát triển những thương hiệu mới cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng nội địa.

Ông dự đoán ra sao về xuất khẩu của ngành trong quý II/2021? Doanh nghiệp đề ra các giải pháp thế nào để tận dụng được sự hồi phục của thị trường, cạnh tranh đơn hàng được với các quốc gia sản xuất hàng may mặc khác?

Như tôi đã đề cập, hầu hết các doanh nghiệp may đã có đơn hàng hết quý III/2021, có doanh nghiệp có đơn hàng hết năm 2021. Với ngành sợi, hiện tại đơn hàng và giá sợi cũng đang hồi phục tốt. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam, với các lợi thế về giá nhân công, tay nghề cao, tốc độ đáp ứng đơn hàng càng ngày càng tốt hơn, tình hình địa chính trị ổn định tiếp tục là những lợi thế khiến Việt Nam khẳng định là nhà cung cấp uy tín với thị trường dệt may thế giới.

Hiện tại trên thị trường Mỹ, từ 5 năm nay Việt Nam luôn xếp thứ 2 về tăng trưởng và thị phần. Với thị trường EU, tuy thị phần của Việt Nam còn khiêm tốn nhưng chúng ta vẫn kỳ vọng trong thời gian tới thị phần của dệt may Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể do thị trường này còn nhiều dư địa phát triển. Cùng đó là sự phát triển của dệt may Việt Nam theo thời gian, việc tận hưởng được ưu đãi thuế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ ngày một tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

congthuong.vn

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn