null Thị trường hàng hóa trong nước tuần qua (19/3)

Trang chủ Thông tin thị trường

Thị trường hàng hóa trong nước tuần qua (19/3)

Thị trường nông sản tuần qua

Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm khá mạnh do vào cao điểm thu hoạch vụ Đông Xuân. 

Thị trường trong nước

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa gạo trên địa bàn tỉnh trong tuần qua nhìn chung có xu hướng giảm mạnh từ 300 - 800 đồng/kg tùy loại. Giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.300 - 6.400 đồng/kg, giảm 700 - 800 đồng/kg. Một số loại lúa chất lượng cao như OM cũng giảm tương đối từ 300 - 500 đồng/kg từ 6.500 - 7.000 đồng/kg; lúa Nhật cũng giảm 300 đồng/kg đạt 7.500 - 7.600 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 từ 6.550 - 6.700 đồng/kg, giảm 700 đồng/kg so với tuần trước.

Trong khi đó, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang thì giữ ổn định. Giá gạo thường dao động ở mức 11.000 - 12.000 đồng/kg, gạo Jasmine 16.000 đồng/kg, gạo Nhật 24.000 đồng/kg, nếp từ 13.000 - 14.000 đồng/kg, gạo Hương Lài 19.500 đồng/kg,… tấm thường 12.500 đồng/kg, tấm thơm 13.500 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa thường cao nhất tại ruộng là 6.800 đồng/kg, giá bình quân chỉ 6.429 đồng/kg, giảm khoảng 300 đồng/kg so với tuần trước. Giá lúa thường tại kho cao nhất là 7.800 đồng/kg, bình quân là 7.350 đồng/kg, giảm khoảng 350 đồng/kg.

Gạo lứt loại 1 giảm khá mạnh với mức 680 đồng/kg, cao nhất ở mức 9.650 đồng/kg, còn trung bình là 9.415 đồng/kg. Gạo 5% tấm cũng giảm trên 300 đồng/kg, cao nhất ở mức 12.150 đồng/kg, còn trung bình là 11.321 đồng/kg.

Theo các doanh nghiệp, giá lúa giảm bởi vụ lúa Đông Xuân đang vào thời kỳ cao điểm thu hoạch với năng suất đạt cao hơn năm trước. Ước tính, năng suất lúa vụ Đông Xuân 2020-2021 đạt khoảng 6,92 tấn/ha, cao hơn 1 tạ/ha so với vụ trước.

Thị trường thế giới

Về thị trường nông sản Mỹ, thị trường nông sản Mỹ biến động trái chiều trong phiên giao dịch cuối tuần (ngày 12/3), khi giá ngô tăng nhẹ, còn giá lúa mì và đậu tương lại sụt giảm.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 5/2021 tăng 0,5 xu Mỹ (0,09%) lên 5,39 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn hạ 4 xu Mỹ (0,62%) xuống 6,385 USD/bushel, còn giá đậu tương giao tháng 5/2021 mất 0,25 xu Mỹ (0,02%),  xuống còn 14,1325 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ) lưu ý rằng, đã có một đợt bán tháo kéo dài trên thị trường nông sản. Khi nguồn cung đậu tương của Mỹ bị thắt chặt và sản lượng bột đậu tương giảm, mức giá đáy của bột đậu tương theo mùa vụ sẽ được hình thành. Giá đậu tương không thể tăng quá mạnh nếu không hình thành mức đáy này.

AgResource cho rằng, ngô sẽ trở thành mặt hàng tăng giá tiếp theo do lo ngại về hoạt động canh tác thu hoạch cây trồng ở Nam Mỹ, đặc biệt là Brazil.

Hoạt động thu hoạch tiếp tục được đẩy mạnh trên khắp Brazil với các báo cáo trái chiều, nhưng năng suất đậu tương vẫn gây thất vọng. Chính phủ Brazil lo ngại rằng lượng mưa lớn đang làm gián đoạn việc trồng ngô vụ Đông và gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.

Dự kiến, các thành viên của Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia (NOPA) đã phá vỡ mức thu hoạch kỷ lục từ 166 - 169 triệu bushel đậu tương trong tháng 2/2021.

Mối quan tâm của thị trường đối với ngô vụ Đông đang gia tăng trong bối cảnh lượng mưa lớn đang diễn ra ở miền Bắc Brazil.

Giữa bối cảnh Bắc bán cầu đang bước vào một mùa trồng trọt mới, nguy cơ giá nông sản giảm đang được hạn chế.

Thị trường gạo châu Á cho thấy, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng trong tuần này do nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh, trong khi các nhà xuất khẩu cũng đang chờ đợi việc triển khai chương trình kích thích kinh tế mới từ Chính phủ, qua đó giảm phí vận chuyển thóc trong nước. Ngoài ra, việc Bangladesh có kế hoạch mua gạo từ cả ba nhà xuất khẩu gạo lớn của châu Á cũng thúc đẩy giá gạo đi lên.

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ dao động trong khoảng 498-502 USD/tấn; gạo 25% tấm có giá 473-477 USD/tấn; gạo 100% tấm 438-442 USD/tấn. Riêng gạo Jasmine ổn định ở mức 548-552 USD/tấn.

Theo B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, ngành đường sắt Ấn Độ đã cắt giảm gần 16% cước vận chuyển gạo, điều này sẽ giúp ích cho các nhà xuất khẩu. Ông ước tính rằng các nhà xuất khẩu gạo có thể tiết kiệm từ 3 - 4 USD/tấn do phí vận chuyển hàng hóa thay đổi. Điều này sẽ khiến cho gạo Ấn Độ cạnh tranh hơn.

Việc giá gạo tăng giảm liên tục được các thương nhân xuất khẩu gạo cho biết là do thị trường nhập khẩu lớn là Philippines chưa ký các đơn hàng mới. Dự kiến vào tháng Tư tới, quốc gia Đông Nam Á này sẽ ký kết hợp đồng nhập khẩu gạo mới sau khi kết thúc mùa vụ sản xuất trong nước. Trong khi đó ở các thị trường khác như Châu Phi, Cuba... khách hàng vẫn đang đàm phán, chờ giá giảm mới ký hợp đồng.

Bangladesh, quốc gia mới nổi lên như một nhà mua lớn khi đẩy mạnh tích trữ gạo cho các kho dự trữ đã bị lũ lụt tàn phá, sẽ mua 350.000 tấn gạo, bao gồm 150.000 tấn từ mỗi nước là Ấn Độ và Thái Lan và 50.000 tấn từ Việt Nam.

Bangladesh đang xem xét cắt giảm thêm thuế nhập khẩu gạo trong nỗ lực tăng cường nguồn dự trữ và "hạ nhiệt" giá trong nước. Theo đó mức thuế nhập khẩu gạo của nước này sẽ giảm từ 62,5% vào cuối tháng 12 xuống 25%.

Bộ Công thương

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn