null Giá xuất khẩu gạo duy trì ở mức cao

Trang chủ Thông tin thị trường

Giá xuất khẩu gạo duy trì ở mức cao

Trong tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu gạo vẫn duy trì ở mức rất cao, đạt đến 551,7 USD/tấn.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 1/2021, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức rất cao, đạt 551,7 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng 12-2020 và tăng đến 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy giá xuất khẩu gạo Việt Nam trong tháng đầu năm 2021 tăng, nhưng do lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm đến 36,4% (đạt gần 348.000 tấn trong tháng 1-2021) khiến kim ngạch xuất khẩu giảm 34,2% (đạt gần 192 triệu USD trong tháng 1/2021) so với tháng 12/2020 và lần lượt giảm 15,4% về lượng và 2,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trị xuất khẩu gạo tăng cao

Về các thị trường xuất khẩu, tổng lượng gạo xuất khẩu sang Philippines đạt gần 170.00 tấn với trị giá trên 91 triệu USD, giảm 38,73% về lượng và 37,46% về giá trị so với tháng 12/2020. Philippines chiếm 48,85% tổng lượng và 47,62% tổng giá trị xuất khẩu gạo cả nước trong tháng đầu năm 2021.

Tiếp theo là thị trường Trung Quốc với khối lượng xuất khẩu đạt gần 58.000 tấn với trị giá đạt trên 30 triệu USD, giảm 1,17% về lượng và 3,91% về giá trị so với tháng 12/2020. Trung Quốc chiếm 16,63% về lượng và 15,7% về giá trị trong tổng xuất khẩu gạo cả nước trong tháng đầu năm 2021.

Ghana là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam với khối lượng trên 39.000 tấn và giá trị trên 23 triệu USD, chiếm 11,31% về lượng và 12,09% về giá trị trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam ở tháng đầu năm 2021.

Tháng đầu năm là thời điểm nhu cầu gạo chưa quá cao, tuy nhiên xuất khẩu gạo cả năm 2021 được dự báo vẫn tốt khi các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam. Thêm vào đó, nhiều nước có nhu cầu lớn về gạo thơm, gạo nếp - vốn là mặt hàng có lợi thế của doanh nghiệp Việt.

Tận dụng những lợi thế thị trường, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành lúa gạo như Công ty CP Tập đoàn Intimex, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH VRICE, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đều đã có kế hoạch tìm kiếm khách hàng ở những thị trường mà Việt Nam vừa có FTA, đặc biệt là khai thác thị trường Anh bởi đây là thị trường vô cùng tiềm năng.

Về phía Bộ Công Thương, để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương sẽ có những thông tin về tình hình nhu cầu thị trường kịp thời và thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, khách hàng. Đặc biệt, có những thông tin cụ thể về những quy định, rào cản theo cam kết của các FTA để doanh nghiệp nắm bắt và có kế hoạch tiếp cận phù hợp.

Để thúc đẩy xuất khẩu gạo năm 2021, VFA đã đề ra một số giải pháp để phát triển thị trường. Tiếp cận thị trường nước ngoài thông qua các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, VFA đã xây dựng các kênh chào hàng trực tuyến cũng như tham gia các hội thảo về thương mại theo hình thức trực tuyến để phát triển ngành hàng gạo. Các doanh nghiệp cũng sẽ tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao, đang có kết quả xuất khẩu tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để có thể gia nhập những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Canada…

congthuong.vn

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn