null Các giải pháp tận dụng EVFTA hiệu quả

Các giải pháp tận dụng EVFTA hiệu quả

Với chủ đề này, tại Hội thảo do Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại Cần Thơ tổ chức vào sáng 28/7, các diễn giả đã tập trung phân tích, thảo luận làm rõ vấn đề, đặc biệt là các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để có thể đưa hàng hóa tỉnh Đồng Tháp đến với thị trường thế giới nói chung và Liên minh châu Âu (EU) nói riêng.

Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ tận dụng được thời cơ từ EVFTA mang lại, bứt phá đi lên

Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa cho rằng, EU là một trong những thị trường xuất khẩu chuẩn mực và lớn nhất của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 tới đây được kỳ vọng mang lại những tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam.

Mặc dù có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nhưng năm 2019, tỉnh Đồng Tháp chỉ đạt 10% kim ngạch xuất khẩu từ thị trường EU (tương đương khoảng 120 triệu USD). Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới trong những tháng đầu năm 2020 đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Với phương châm “Biến thách thức thành cơ hội”, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp có thêm thông tin về thị trường EU, đặc biệt là khai thác được tối đa lợi ích mà EVFTA mang lại, ông Phạm Thiện Nghĩa mong muốn qua Hội thảo này, các doanh nghiệp, địa phương có thể nắm được tinh thần, nguyên tắc, định hướng EVFTA, từ đó chủ động tiếp cận, gia nhập thị trường này. Tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện tiếp cận thị trường và tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển.

Theo ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ, EVFTA được xem là hiệp định toàn diện, chất lượng cao, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Việt Nam và EU.

Cũng theo ông Lam, nông nghiệp và thủy sản sẽ là những ngành hưởng lợi nhiều nhất, với hơn 85% số vòng thuế EU dành cho Việt Nam ở mức thuế suất thấp, trong đó là một tỷ lệ về mức 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Tuy nhiên, khó khăn thách thức đặt ra cho doanh nghiệp cũng không hề nhỏ, đó là thị trường EU rất quan tâm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn về lao động, trách nhiệm minh bạch, khai báo nguồn gốc, chứng nhận xuất xứ v.v..

Đồng Tháp với những thế mạnh về nông nghiệp và thuỷ sản được kỳ vọng sẽ có những bứt phá khi EVFTA chính thức được thi hành; qua đó thúc đẩy phát triển GRDP và số lượng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo động lực cho tỉnh phát triển đột phá trong giai đoạn mới – Giám đốc VCCI Cần Thơ tin tưởng.

Bà Phùng Thị Lan Phương Trưởng phòng Hiệp định Tự do Thương mại (FTA)
Trung tâm WTO và Hội nhập, VCCI chia sẻ chuyên đề

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nếu ví Hiệp định EVFTA là tuyến đường cao tốc Việt Nam – EU, thì đó là một con đường hoàn toàn không miễn phí và chính các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa sẽ trở thành những “tấm vé thông hành”.

Để giúp các doanh nghiệp nhận diện con đường lấy được “tấm vé thông hành” này, tại Hội thảo, các chuyên gia đã thông tin một số chuyên đề như: Phân tích cơ hội, thách thức khi EVFTA có hiệu lực; phổ biến các cam kết về thuế quan và quy tắc xuất xứ trong EVFTA; giải pháp gia nhập thị trường EU; tận dụng cơ hội từ EVFTA hóa giải rào cản kỹ thuật thị trường EU đối với ngành hàng nông sản, thủy sản và may mặc, dệt may v.v..

Ngày 08/6/2020, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Trước đó, ngày 30/3/2020, Hội đồng châu Âu cũng đã thông qua EVFTA, và do đã hoàn tất thủ tục phê chuẩn, Hiệp định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2020.

Theo cam kết, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 85% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Tiếp đó sau 07 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của ta. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại của Việt Nam, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Đặc biệt đối với một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản mà Việt Nam có thế mạnh như gạo, thủy sản, rau quả v.v..

Việc ký kết và thực thi EVFTA không chỉ mang đến cơ hội về tăng trưởng xuất khẩu mà còn giúp cho ngành nông nghiệp nước ta đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói v.v., góp phần đưa hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Văn Khương

dongthap.gov.vn

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn