null Nhiều giải pháp đột phá từ Tọa đàm Phát triển sản phẩm OCOP gắn với nông nghiệp, làng nghề

Trang chủ Tin hoạt động

Nhiều giải pháp đột phá từ Tọa đàm Phát triển sản phẩm OCOP gắn với nông nghiệp, làng nghề

Ngày 04.8, Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Tọa đàm “Phát triển sản phẩm OCOP gắn với nông nghiệp, làng nghề” để thảo luận bàn giải pháp phát huy các sản phẩm OCOP, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch. 

Đến dự Tọa đàm có đại diện các Sở ngành, huyện, thành phố, Viện nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo Doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Xã hội Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang, Hiệp Hội du lịch Long An, Trường Đại Học An Giang, Đồng Tháp, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp, Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn và hơn 120 doanh nghiệp là các chủ thể đạt chứng nhận OCOP, công ty dịch dụ lữ hành, khu điểm du lịch, một số nhà vườn và các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài Tỉnh.

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Đồng Tháp là một tỉnh nông nghiệp, với gần 70% dân số sinh sống ở nông thôn, có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, thời tiết, khí hậu nhiệt đới gió mùa, đất đai màu mỡ, cùng với lợi thế có nhiều địa danh, điểm du lịch, lễ hội,..., Đồng Tháp thuận lợi trong việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với du lịch nông thôn. Các giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng Nam Bộ...là những lợi thế để Đồng Tháp phát triển loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái nông nghiệp.

Thời gian qua, triển khai, thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm, đến nay Đồng Tháp đã có 357 danh mục sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP, trong đó, 01 sản phẩm đạt 5 sao, 81 sản phẩm đạt 4 sao, 275 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm OCOP này đã và đang góp phần tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, ẩm thực, du lịch, miền đất, con người Đồng Tháp đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước; góp phần gìn giữ, phát huy và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương, từ đó thúc đẩy du lịch Đất Sen Hồng và ngành kinh tế nông nghiệp phát triển. 

Phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm Ông Huỳnh Kim Khuê - PGĐ Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp (Trung tâm) cho biết “Loại hình du lịch nông thôn hiện đang được xác định với 3 loại hình chủ đạo là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái, rất phù hợp với điều kiện, tiềm năng, thế mạnh của Đồng Tháp; đồng hành với các doanh nghiệp, chủ thể có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, chương trình giới thiệu, kết nối các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch đã và đang được các ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh chung tay nỗ lực triển khai thực hiện và bước đầu đã mang lại kết quả tích cực. Các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại các khu, điểm du lịch được nhiều du khách quan tâm, với nhiều sự lựa chọn các sản phẩm có mẫu mã đẹp làm phong phú thêm chương trình du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững.”

Xác định lợi ích khi "kết duyên" du lịch và xúc tiến sản phẩm OCOP, Tỉnh Đồng Tháp đã và đang ưu tiên tổ chức những sự kiện xúc tiến thương mại gắn với không gian, sự kiện du lịch và hướng tới du khách; đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối cung - cầu giữa các tỉnh, thành phố trên cả nước. Nổi bật phải kể đến việc đưa vào hoạt động “Trung tâm giới thiệu đặc sản và du lịch tỉnh Đồng Tháp tại Hà Nội”; tổ chức các chương trình “Tuần Hàng Cá Tra/Basa và đặc sản Đồng Tháp”; “Điểm trưng bày, giới thiệu quảng bá nông đặc sản Đồng Tháp tại Hà Nội” “ Trung tâm giới thiệu Đặc Sản, Du lịch và Ẩm Thực Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL tại Phú Quốc”...và tham gia các hoạt động XTTM khác tại thị trường trong và ngoài nước...qua đó góp phần hỗ trợ quảng bá sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp từng bước vươn xa; Thời gian tới, Trung tâm sẽ kết hợp Tik Tok Việt Nam tổ chức các chương trình đi thăm và trải nghiệm các điểm đến và mô hình tiêu biểu, tổ chức show truyền hình thực tế trên nền tảng Tik Tok live nhằm giới thiệu nghệ nhân, làng nghề, quảng bá về văn hóa, con người địa phương...

Đồng Tháp hiện có 154 điểm du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng đang khai thác phục vụ khách du lịch và 39 làng nghề, làng nghề truyền thống (21 làng nghề, 18 làng nghề truyền thống). Hiện đã có một số làng nghề gắn kết du lịch như: Làng nghề truyền thống dệt chiếu (huyện Lấp Vò), Làng nghề truyền thống trồng hoa kiểng (TP.Sa Đéc), Làng nghề dệt choàng (huyện Hồng Ngự) vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...Góp phần làm phong phú các sản phẩm du lịch của Đồng Tháp, thực hiện chủ trương của Tỉnh phát triển du lịch nông nghiệp là chiến lược, trụ cột, căn bản, toàn diện, lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Tại buổi Tọa đàm, đã có 15 ý kiến phát biểu, chia sẻ nhằm định hướng phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ và điểm du lịch; đề xuất giải pháp phát triển du lịch cộng đồng trong chương trình OCOP; kinh nghiệm phát triển du lịch gắn với phát triển làng nghề truyền thống giúp Đồng Tháp đánh giá được thực trạng; tìm ra những tồn tại, từ đó cố gắng khắc phục, đưa du lịch Đồng Tháp phát triển bền vững. Các chuyên gia cũng lưu ý địa phương trong phát triển du lịch cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu; nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch cộng đồng và chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh; chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới và chương trình OCOP v.v.. Cần định hướng cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm phù hợp; địa phương cũng cần quan tâm, quy hoạch lại sản phẩm, có kế hoạch truyền thông hợp lý, tận dụng khoa học công nghệ trong phát triển sản phẩm và xúc tiến quảng bá. Bên cạnh đó, cần gắn kết địa phương với việc xây dựng sản phẩm, thông qua sản phẩm giới thiệu được văn hóa cộng đồng bản địa. Có ý kiến cũng cho rằng cần đầu tư mô hình lưu trú homestay tại các nhà vườn để kéo du khách ở lại lưu trú, khám phá lâu hơn; đẩy mạnh liên kết các nhà vườn để tạo thêm sản phẩm. Đặc biệt là cần có chiến lược phát triển sản phẩm, xác định sản phẩm đặc trưng trọng điểm; hướng đột phá vào thực địa, thực cảnh, bản địa hóa sản phẩm để phù hợp với phát triển xanh. Đáng chú ý, Ths Nguyễn Trần Hoàng Phương - Viện Nghiên cứu Xã hội Du lịch cho rằng, du lịch Đồng Tháp đang thiếu hoạt động tại điểm đến, đồng thời đề xuất tăng cường nguồn lực đầu tư, đầu tư thêm cơ sở vật chất tại Khu du lịch Xẻo Quýt.... để tăng trải nghiệm cho du khách; Ths Phan Bửu Toàn - Phó Hiệu Trường Cao Đẳng Du Lịch Sài Gòn chia sẻ về vấn đề hiện nay người tiêu dùng chưa thật sự hiểu sản phẩm OCOP là gì? khái niệm 3 sao, 4 sao hay 5 sao là như thế nào. Du khách, đặc biệt là người nước ngoài còn xa lạ với hàng OCOP, giá cả và mẫu mã bao bì đóng gói của sản phẩm OCOP là một trong những trở ngại khi đưa hàng OCOP khi tiếp cận với khách hàng. Ths Trần Anh Tuấn -Viện Nghiên cứu & Ứng dụng Đổi mới Sáng tạo Doanh nghiệp đã đúc kết từ nhiều chương trình xây dựng phát triển chiến lược kinh tế từ nhiều chương trình quốc gia đã chia sẻ về cần chuyển đổi mô hình kinh doanh du lịch kết hợp với thương mại hoá sản phẩm OCOP và làng nghề. Thông qua việc xây dựng mô hình kinh doanh đổi mới giúp cho các doanh nghiệp có thể tái tạo kinh doanh cho hệ sinh thái tích hợp du lịch + sản phẩm OCOP + làng nghề. Ngành du lịch cần định hình lại cách khách hàng đi du lịch, các giải pháp tiếp thị, bán hàng và quản lý du lịch bởi công nghệ và đổi mới sáng tạo - cụ thể là các giải pháp du lịch liền mạch… Ở các điểm du lịch miệt vườn cần "thổi hồn văn hóa" vào các hoạt động du lịch, như giới thiệu sản phẩm, văn hóa ẩm thực, nét văn hóa, sinh hoạt độc đáo. Nên có những sản phẩm sơ chế từ trái cây, không đơn thuần là quả tươi để làm quà bán cho du khách, các hợp tác xã, nhà vườn cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, như: Xây dựng mã QR code, các website giới thiệu quy trình trồng, chăm sóc, chất lượng  để quảng bá, giới thiệu khách tham quan về sản phẩm trái cây... Một số ý kiến đề nghị cần quan tâm đào tạo kỹ năng làm du lịch cho lực lượng lao động trẻ ở nông thôn để họ tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Cùng đó, làm tốt công tác vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan ấn tượng du khách; quy hoạch các trung tâm mua sắm... trao đổi kinh nghiệm xây dựng tour, tuyến thu hút khách; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm du lịch cho người dân địa phương; thu hút đầu tư du lịch; xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn...

Phát biểu tổng kết tọa đàm, Ông Huỳnh Kim Khuê - PGĐ Trung tâm cho rằng sự thành công của chương trình toạ đàm sẽ mở ra thêm nhiều chương trình xúc tiến hỗ trợ đào tạo và kết nối thêm cho các hoạt động của du lịch và OCOP Đồng Tháp. Ông ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp lữ hành, đồng thời cho rằng đây là những ý kiến quý báu để Trung tâm tiếp thu, tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác phát triển du lịch nói chung, trong đó có liên kết phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn Đồng Tháp nói riêng. Với vai trò trách nhiệm của mình, thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường quảng bá, đẩy mạnh liên kết, xây dựng các sản phẩm OCOP đặc trưng gắn với du lịch nông thôn, hấp dẫn nhằm thu hút khách đến với Đồng Tháp nhiều hơn, ở lại lưu trú lâu hơn, sử dụng dịch vụ nhiều hơn. Thực hiện tốt công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng. Cần đẩy mạnh đào tạo nhân lực gắn với sản phẩm nông thôn. Mặt khác, cần gắn sản phẩm nông nghiệp với tập quán văn hóa bản địa; thổi hồn yếu tố văn hóa vào sản phẩm OCOP để phát triển du lịch. Đồng Tháp nỗ lực đổi mới sản phẩm OCOP góp phần phong phú thêm cho sản phẩm du lịch, nhằm triển khai có hiệu quả đề án phát triển du lịch góp phần tạo dựng hình ảnh tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Một số hình ảnh tại buổi Tọa Đàm:

Ông Huỳnh Kim Khuê - PGĐ Trung tâm và Ông Ngô Thanh Hùng  - Phó chánh VP Điều phối Nông thôn mới
và TCCNNN Tỉnh,
tặng quà cho các diễn giả

Ông Huỳnh Kim Khuê – PGĐ Trung tâm phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm

Một góc của buổi toạ đàm

Ông Ngô Hữu Thông - Phó Viện Trưởng thường trực, Viện nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo Doanh nghiệp

Bà Nguyễn Tâm Tuyết Trinh – PGĐ Trung tâm XTTM, Đầu tư An Giang chia sẻ tại buổi Tọa đàm

Ông Huỳnh Thanh Sơn – PCT UBND huyện Cao Lãnh chia sẻ tại buổi Tọa đàm

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện Trưởng , Viện nghiên cứu Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo Doanh nghiệp

Đại diện hộ làm du lịch cộng đồng trao đổi cùng các diễn giả

Các đại biểu tham dự chụp ảnh lưu niệm cùng các diễn giả

PH - Phòng TTTT

 

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn