null Khơi thông thị trường xuất khẩu cho gạo Việt Nam

Trang chủ Thông tin thị trường

Khơi thông thị trường xuất khẩu cho gạo Việt Nam

Gạo Việt Nam có sức cạnh tranh tốt hơn trong nhiều năm trở lại đây, nhưng giá vật tư nông nghiệp tăng đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân. Ngoài ra, để bán được giá tốt và xuất khẩu vào các thị trường cao cấp thì cần tập trung xây dựng thương hiệu gạo.

Ông Phạm Quang Diệu, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo (Công ty Agromonitor) nhìn nhận: “Trong 5-7 năm gần đây, xuất khẩu gạo nước ta có tiến triển lớn. Các thương nhân quốc tế công nhận sức cạnh tranh của gạo Việt Nam tốt hơn. Phân khúc gạo trung bình, khá của Việt Nam được khẳng định. Thương nhân Thái đang lo ngại sức cạnh tranh của gạo Việt Nam và Thái Lan có thể để mất thị phần”.

Điều này thể hiện trong chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu. Nếu như năm 2016, gạo phẩm cấp thấp IR 50404 chiếm tỷ lệ lớn thì đến năm 2021 gạo phẩm cấp cao Đài Thơm 8 và OM 18 chiếm tỷ lệ cao nhất. Các loại gạo cao cấp mới của Việt Nam đang khiến thương nhân Thái Lan lo ngại, lý do là giá gạo thơm Thái Lan quá cao.

Thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long.

“Trước đây, Việt Nam phụ thuộc vào các thị trường tập trung như Philippines, Indonesia. Các thị trường này thường có nhu cầu lớn về gạo phẩm cấp thấp, trung bình. Khi Philippines chuyển đổi sang cơ chế nhập khẩu tư nhân, Việt Nam cũng xuất khẩu được gạo phẩm cấp cao hơn bởi nhu cầu từ các công ty nhập khẩu tư nhân của Philippines. IR 50404 từng chiếm 30-40% cơ cấu xuất khẩu gạo của Việt Nam nhưng hiện còn dưới 10%. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu phẩm cấp thấp và phẩm cấp cao của Việt Nam đảo ngược hoàn toàn”, ông Diệu đánh giá.

Ngoài ra, nếp Việt Nam là câu chuyện thần kỳ, tăng lượng xuất khẩu đột biến. Tổng khối lượng xuất khẩu nếp thế giới là 600.000-700.000 tấn/năm, trong đó Việt Nam chiếm 70-80%.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng nhiều cơ chế, chính sách để phát triển ngành lúa gạo đã được đề ra, tuy nhiên trong thực tiễn vẫn có những nút thắt như liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 3 triệu tấn, mang về 1,4 tỷ USD, cho thấy hàm lượng xuất khẩu giá trị của Việt Nam đã rất tốt. Ông Toản lưu ý giá phân bón tăng cao ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân nên cần có các giải pháp để giúp hạ chi phí đầu vào cho người trồng lúa.

Bà Bùi Kim Thùy, chuyên gia kinh tế cho rằng, sự khơi thông của thị trường xuất khẩu gạo nằm ở hàng rào kỹ thuật, phòng vệ thương mại, an ninh lương thực, hạn ngạch, thuế quan… Việt Nam vẫn phải chịu biện pháp phòng vệ, thuế suất đặc biệt là Trung Quốc. Hiện nay, người dùng thế giới chú trọng vào “ăn ngon mặc đẹp”, ý thức ăn gì để cho khoẻ, đẹp. Vì thế, ngành gạo cần phải tập trung sản xuất để có sản phẩm tốt, có thương hiệu, chất lượng cao hướng đến người dùng đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe.

“Trong chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, chất lượng gạo phụ thuộc nhiều yếu tố như giống, quy trình, thu hoạch... Nhưng điều quan trọng nhất là phải bán được giá tốt. Để đạt được mục tiêu này, không chỉ là chất lượng, giống mà khâu khó nhất, ít người làm nhất là xây dựng thương hiệu. Việt Nam là quốc gia có độ mở lớn, xuất khẩu nhiều nhưng rất ít doanh nghiệp Việt xuất khẩu sử dụng thương hiệu chính mình”, bà Thuỳ nhìn nhận.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Intimex Group, năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn chưa từng thấy, gần như nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều rủi ro. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước tăng trưởng dương, xuất khẩu gạo năm này khá cao, mang về giá trị khi tăng 5% dù sản lượng giảm, đó là kỳ tích. Phó Chủ tịch VFA cũng chỉ ra ngành gạo Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, đó là thu nhập của người nông dân giảm mạnh, giá lúa không giảm nhưng phân bón, chi phí vận tải tăng đột biến. Doanh nghiệp Việt hiện cũng còn hình thức cạnh tranh hợp đồng của nhau, tranh thủ bán hàng sớm giá thấp.

Ông Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, nhận định: “Điểm nghẽn của sản xuất lúa gạo là sản lượng không ổn định, do không có vùng nguyên liệu cụ thể cho từng nhóm, sản xuất manh mún. Việc không có vùng nguyên liệu dẫn tới nhiều vấn đề. Đầu tiên chất lượng, dư lượng thuốc, vệ sinh an toàn thực phẩm, giống đầu vào không có… Nhiều địa phương sử dụng 80-90% giống tự xác nhận nhưng quy trình sản xuất, chế biến có đảm bảo không?”. Theo Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, để khơi thông nâng cao giá trị lúa gạo thì ngành cần giải quyết 3 vấn đề lớn: vùng nguyên liệu, giám sát chất lượng, xây dựng thương hiệu.

Ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tân Long Group cho hay, ban đầu khi Việt Nam nhận được giải “Gạo ngon nhất thế giới” đối với gạo ST25 là một phương thức PR mạnh cho gạo Việt. Nhiều thương nhân nảy ý định phải đem sản phẩm gạo Việt Nam sang châu Âu để bán cho các kênh nhà hàng cũng như người gốc Á. Nhưng ông Trung lưu ý khi doanh nghiệp đi vào thị trường châu Âu phải làm từ nguồn canh tác, truy xuất nguồn gốc, trữ bằng thóc chứ không xay, đòi hỏi doanh nghiệp đầu tư bài bản.

Hiện thị trường Mỹ được xem là hấp dẫn cho hạt gạo Việt Nam. Tuy nhiên, để vào thị trường này không hề đơn giản. Trong năm 2021, Thái Lan xuất đi Mỹ được 573.786 tấn, còn gạo Việt Nam bán chỉ được 15.235 tấn. Để gạo Việt đi vào thị trường Mỹ, Nhật, EU rất khó nên cần có thương hiệu gạo. Ngoài ra, trong 4-5 năm nay, gạo thơm Việt Nam có tín hiệu xuất khẩu tốt vào Philippines, châu Phi. Do đó nên tập trung vào thị trường trọng điểm, xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối tốt thay vì lan man đi nhiều thị trường như hiện nay.

Theo cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mỗi năm EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Phó Chủ tịch VFA cho rằng, gạo Việt vào thị trường EU quá nhỏ về lượng, 80.000 tấn/6 triệu tấn xuất khẩu hàng năm. Ngoài ra, Việt Nam cũng chỉ đưa vào 30.000 tấn gạo chất lượng cao.

“Cái khó là kiểm soát dư lượng thuốc trừ sâu và hoá chất. Khi bị đối tác phát hiện sẽ bị trả hàng, doanh nghiệp chịu thiệt hại lớn. Để giải quyết điều này, cần vùng chuyên canh. Ngoài ra, tập tục của người nông dân là tăng lượng phân bón để nâng cao năng suất, sâu bệnh cũng lây sang vùng khác. Vì thế, cần diện tích lớn để trồng lúa. Cần có thời gian để thực hiện kế hoạch này”, Phó Chủ tịch VFA đề xuất.

 

Theo Văn Vĩnh - Như Anh

https://cand.com.vn/thi-truong/khoi-thong-thi-truong-xuat-khau-cho-gao-viet-nam-i658035/

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn