null Thanh long Việt Nam đàng hoàng đi Trung Quốc

Trang chủ Thông tin thị trường

Thanh long Việt Nam đàng hoàng đi Trung Quốc

Từ lâu, thanh long Việt Nam là mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng được giao dịch, buôn bán theo nhiều hình thức chứ không phải là xuất khẩu tiểu ngạch.

Thanh long Việt Nam là mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng được
trao đổi, buôn bán theo nhiều hình thức. Ảnh: Tùng Đinh.

Chính ngạch

Hiện nay, Việt Nam có 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt, ngoài ra còn có mặt hàng thạch đen.

Về thủ tục, theo Chi cục Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn), để xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc, các doanh nghiệp, cá nhân cần khai báo trên hệ thống thủ tục hải quan điện tử, hoạt động 24/7.

Sau khi đã tập kết hàng hóa tại địa điểm kiểm tra tại khu vực cửa khẩu, hệ thống tự động tiếp nhận, cấp số tờ khai điện tử, phân luồng và thông báo cho người khai hải quan biết. Cụ thể, luồng xanh là hàng thông quan ngay, luồng vàng là tờ khai phải kiểm tra chi tiết hồ sơ và luồng đỏ là tờ khai phải kiểm tra thực tế hàng theo tỷ lệ/hoặc toàn bộ.

Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, hiện nay, qua thống kê các tờ khai hải quan đối với mặt hàng thanh long Việt nam xuất khẩu tại Chi cục thì 99% là tờ khai được phân luồng xanh - hàng miễn kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế và được thông quan ngay khi khai báo.

Dù là hình thức giao dịch nào, các bên tham gia vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ
và chính sách quản lý về hàng hóa xuất nhập khẩu theo quy định. Ảnh: Tùng Đinh.

Liên quan vấn đề giao dịch, hiện nay mặt thanh long quả tươi đang thực hiện làm thủ tục xuất khẩu qua Chi cục Hải quan Tân Thanh cơ bản được các hộ kinh doanh cá thể có đăng ký mã số thuế thực hiện mở tờ khai hải quan để làm thủ tục cho hàng hàng hóa xuất khẩu, không có hợp đồng mua bán ngoại thương. Ngoài ra, có một số ít là các doanh nghiệp mở tờ khai làm thủ tục có hợp đồng ngoại thương.

Đại diện Chi cục Hải quan Tân Thanh cho biết, mặc dù không sử dụng hợp đồng ngoại thương nhưng các bên tham gia giao dịch vẫn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và chính sách quản lý về hàng hóa xuất nhập khẩu theo quy định.

Hiện nay, trong trao đổi thương mại với hàng hóa là nông sản, hoa quả... tại các cửa khẩu biên giới, Chính phủ Trung Quốc có chính sách ưu đãi, miễn thuế đối với mức trị giá nhất định khi đưa vào lãnh thổ, do vậy việc lựa chọn phương thức mua bán đơn giản không có hợp đồng mua bán vẫn hay được các chủ hàng, thương nhân lựa chọn sử dụng.

Do đó, tuy là mặt hàng xuất khẩu chính ngạch, nhưng khái niệm "tiểu ngạch" vẫn được được sử dụng, do thói quen cũ, dùng để chỉ hình thức xuất nhập khẩu do các thương nhân là cá nhân, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh thực hiện tại cửa khẩu biên giới mà không có hợp đồng ngoại thương.

Hiện nay, các lái xe Việt Nam phải ở trong cabin được phía Trung Quốc dán niêm phong
khi di chuyển trên lãnh thổ nước bạn. Ảnh: Tùng Đinh.

Khắc phục khó khăn chung

Thời gian qua, sự khác nhau trong chính sách chống dịch Covid-19 giữa Việt Nam và Trung Quốc khiến năng lực thông quan ở các khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn giảm xuống, do đó lưu lượng thanh long từ các tỉnh phía Nam xuất sang Trung Quốc cũng giảm theo.

Đây được cho là khó khăn chung trong công tác xuất nhập khẩu trên biên giới đường bộ, không chỉ ở Lạng Sơn mà còn nhiều địa phương khác như Lào Cai, Quảng Ninh và không chỉ với mặt hàng thanh long mà còn nhiều trái cây khác như mít, dưa hấu, chuối...

Theo số liệu của Chi cục Hải quan Tân Thanh, hiện nay, có khoảng 13 - 15 xe thanh long sang được Trung Quốc trong tổng số 80 - 90 xe xuất khẩu/ngày.

Tại cửa khẩu Tân Thanh, việc vận chuyển hàng chỉ sử dụng đầu kéo, lái xe chuyên trách của Việt Nam, họ phải cắt, đổi kéo container hàng tại bãi hàng Việt Nam, vận chuyển qua biên giới giao cho phía Trung Quốc.

Trong qua trình giao nhận hàng bên địa phận Trung Quốc, lái xe chuyên trách Việt Nam không được xuống xe, mọi việc cắt, đổi đầu kéo do người Trung Quốc đảm nhiệm thực hiện. Sau khi chuyển hàng xong sẽ kéo container hàng hoặc container rỗng về Việt Nam.

Để khắc phục những khó khăn này, Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn (Ban Quản lý) cho biết hiện tại Lạng Sơn đang tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch tại các khu vực cửa khẩu, thiết lập "vùng xanh an toàn" tại cửa khẩu Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu Chi Ma.

Thiết lập cơ chế quản lý nghiêm ngặt về y tế đối với các lái xe đường dài để chủ động trong việc phân luồng, điều tiết phương tiện lên cửa khẩu và các khu vực cửa khẩu thực sự là “cửa khẩu xanh”.

“Chúng tôi đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hoá Tân Thanh, Việt Nam - Pò Chài, Trung Quốc được vận hành với quy mô 04 làn xe xuất nhập khẩu; sớm hoàn thành việc cải tạo, mở rộng tuyến đường xuất nhập khẩu hàng hoá qua cửa khẩu song phương Chi Ma thành 04 làn xe xuất nhập khẩu”, ông Hoàng Khánh Duy, Phó Ban Quản lý, cho biết.

Ông Duy khẳng định các cơ quan chức năng Lạng Sơn sẽ siết chặt phòng ngừa các hành vi tiêu cực phát sinh; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch.

Ngoài ra, Ban Quản lý cũng đang đề nghị phía Trung Quốc khôi phục hoạt động các cửa khẩu còn lại trên cơ sở đảm bảo công tác phòng, chống dịch của hai bên. Kiên trì trao đổi để thống nhất thời gian làm việc tại cặp cửa khẩu song phương Chi Ma - Ái Điểm; trao đổi để vận hành chính thức tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh - Pò Chài.

Lực lượng biên phòng tại khu vực cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn hiện nay vận hành
một lúc 3 phầm mềm, 2 phần mềm chuyên dụng của lực lượng và phầm mềm của
nền tảng cửa khẩu số. Ảnh: Tùng Đinh.

Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn cũng đã áp dụng nền tảng cửa khẩu số để đáp ứng các yêu cầu phục vụ công tác quản lý của cơ quan Hải quan, Biên phòng và các lực lượng chức năng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp bến bãi, đại lý Hải quan.

Nền tảng cửa khẩu số hoạt động sẽ đảm bảo tính công khai, minh bạch, chống vượt tuyến trong toàn bộ các hoạt động của cửa khẩu. Doanh nghiệp sẽ biết hàng hóa, phương tiện đang ở đâu, đã được xử lý ra sao… từ đó có thực hiện tối ưu kế hoạch kinh doanh của mình.

Tuy nhiên, do triển khai nền tảng mới, chưa có tiền lệ, dù đã được đào tạo tập huấn tuy nhiên vào thực tế, do thay đổi cách làm, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đại lý Hải quan còn lúng túng, khó khăn khi sử. Các lực lượng chức năng tại cửa khẩu cũng phải làm quen, sử dụng thêm một phần mềm mới nên cần có thời gian để làm quen.

Thí điểm phun khử khuẩn theo công nghệ Trung Quốc

“Một trong các giải pháp căn cơ là kiên trì trao đổi với phía Trung Quốc để thống nhất công tác phòng chống dịch, phương án công nhận kết quả xét nghiệm, kiểm dịch y tế, xem xét thực hiện thí điểm khu vực phun khử khuẩn hàng hoá theo công nghệ, sinh phẩm của Trung Quốc trên cơ sở quy định của hai bên”, ông Duy cho biết.

Mặt khác, tỉnh Lạng Sơn đang hướng tới cải tạo tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hoá Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) qua khu vực mốc 1119-1120 với quy mô từ 2 làn xuất và 2 làn nhập như hiện nay thành 3 làn xuất và 3 làn nhập.

Xây dựng cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Việt Nam - Hữu Nghị Quan, Trung Quốc thành cửa khẩu kiểu mẫu; triển khai thực hiện mô hình luồng xanh thông quan nhanh qua tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hoá Tân Thanh, Việt Nam - Pò Chài, Trung Quốc ngay khi tuyến đường này chính thức đi vào hoạt động và trở thành lối thông quan của cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan.

 

Theo Tùng Đinh - Văn Việt

https://nongnghiep.vn/thanh-long-viet-nam-dang-hoang-di-trung-quoc-d319958.html

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn