null Nhiều dư địa cho xuất khẩu nông sản vào thị trường mới

Trang chủ Thông tin thị trường

Nhiều dư địa cho xuất khẩu nông sản vào thị trường mới

Các sản phẩm nông sản của Việt Nam được cho là còn nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu vào những thị trường mới vốn dĩ là thị trường lớn ở Tây Phi, Bắc Phi, Nam Mỹ hoặc các quốc gia trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Điều quan trọng là các nhà xuất khẩu cần chủ động khảo sát thị trường, tham gia các đợt xúc tiến thương mại, tận dụng tốt thương mại điện tử…

 

Đơn cử như với thị trường lớn 200 triệu dân ở Nigeria - một quốc gia thuộc khu vực Tây Phi. Ông Trần Hùng Cường, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nigeria, cho biết tỷ trọng xuất khẩu (XK) của Việt Nam sang Nigeria vẫn ở mức khiêm tốn so với tổng giá trị nhập khẩu của nước này. 

Chờ tận dụng tốt, thâm nhập sâu

Tuy nhiên, như lưu ý của ông Cường, các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam còn nhiều dư địa để đẩy mạnh XK sang Nigeria, nhất là với các mặt hàng nông sản và thủy hải sản.

Thị trường này có số dân đứng đầu Châu Phi và xếp thứ 7 trên thế giới về dân số, và được dự báo sẽ là thị trường XK nông sản quan trọng của Việt Nam tại khu vực Tây Phi trong thời gian tới. Nhất là khi nền nông nghiệp ở nước này chưa thực sự phát triển, buộc họ phải nhập khẩu khoảng 90% lượng hàng hóa để phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Chủ động kết nối với đối tác nhập khẩu sẽ giúp các nhà XK nông sản thâm nhập tốt hơn ở
những thị trường mới.

Không chỉ vậy, với 4 cảng lớn là Lagos, Warri, Port Harcourt và Calabar, Nigeria hiện là địa điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng hàng đầu của khu vực Tây Phi. 

Vào ngày 7/4/2022 Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Thương vụ Việt Nam tại Nigeria sẽ phối hợp tổ chức phiên tư vấn XK sang thị trường Nigeria. Hy vọng đây là cơ hội để các nhà XK nông sản của Việt Nam trong nỗ lực tìm kiếm thị trường mới sẽ kết nối tốt với các nhà nhà nhập khẩu ở khu vực Tây Phi này. 

Hoặc như thị trường Algeria ở khu vực Bắc Phi cũng được xem là thị trường lớn đầy tiềm năng cho XK nông sản của Việt Nam. Như với mặt hàng cà phê, Algeria là thị trường còn nhiều dư địa cho cà phê Việt Nam. Thị phần cà phê của Việt Nam tại thị trường này trong những năm gần đây thường duy trì ở mức cao, chiếm trên 50%.

Tuy vậy, kim ngạch XK tổng thể của Việt Nam vào nước này hồi năm 2021 vừa rồi vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ đạt 153 triệu USD, tăng 3,4% so với năm 2020. Các mặt hàng XK chính gồm có cà phê, hạt tiêu, hạt điều, gạo, thủy hải sản…

Với số kim ngạch XK còn khá ít ỏi như vậy ở một thị trường lớn có gần 44 triệu dân, giới chuyên gia cho rằng vẫn còn dư địa rất lớn để các nhà XK nông sản của Việt Nam có thể tận dụng, thâm nhập sâu hơn trong thời gian tới.

Vào ngày 19/4 sắp tới Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Algeria cũng sẽ phối hợp tổ chức phiên tư vấn XK trực tuyến sang thị trường này. Ngoài ra, sau hai năm gián đoạn do đại dịch Covid-19, vào tháng 6/2022 sẽ diễn ra hội chợ quốc tế Alger lần thứ 53 (FIA 53) - một hội chợ quốc tế hàng đầu tại Bắc Phi, trong đó quy tụ nhiều đối tác mua bán các lĩnh vực nông nghiệp, nông sản thực phẩm. 

Nhu cầu cao, cơ hội tiếp cận nhiều

Để nhắm đến thị trường mới như Algeria và khu vực Bắc Phi thì các nhà XK nông sản có thể quan tâm và tham gia vào các sự kiện như vậy. Đó cũng là cơ hội để tìm hiểu và tiếp cận các đối tác nhập khẩu tin cậy hơn.

Trong các mặt hàng nông sản có thể gia tăng kim ngạch XK vào những thị trường nêu trên thì khả năng lớn nhất vẫn là mặt hàng gạo. Gạo chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Phi. 

Ngoài ra, các thị trường như Algeria, Nigeria và một số quốc gia khác ở Tây Phi và Bắc Phi cũng quan tâm đến việc nhập khẩu cá tra phi-lê đông lạnh của Việt Nam. Cho nên, các nhà XK cá tra cần quan tâm hơn nữa đến những thị trường tiềm năng như vậy. Đặc biệt là nên tích cực tham gia các đợt xúc tiến thương mại, các hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành.

Bàn thêm về XK cá tra, những dự báo gần đây cho thấy ngoài các thị trường truyền thống hàng đầu như Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu... việc XK vào những thị trường mới trong năm 2022 này sẽ có nhiều lạc quan. 

Điển hình trong đó phải kể đến thị trường Brazil, Colombia và Mexico ở khu vực Nam Mỹ có tăng trưởng tích cực, bù đắp sụt giảm những thị trường chủ lực như Trung Quốc, Châu Âu.

Nói thêm về dư địa XK nông sản vào các thị trường mới thì không thể bỏ qua những thị trường mới thuộc các quốc gia trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). 

Đơn cử như ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thông tin mới đây cho thấy từ khi RCEP có hiệu lực từ đầu năm nay đã mở thêm cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng nông sản đẩy mạnh XK. Trong quý I/2022, kim ngạch XK (trừ dầu thô) của tỉnh này đạt 972,71 triệu USD, tăng 30,07% so với cùng kỳ, trong đó nhóm hàng, nông, lâm, thủy sản tăng mạnh hơn 50%.

Không chỉ tăng trưởng ở các nhóm ngành hàng, sự tăng trưởng còn ghi nhận ở những thị trường mới thuộc các quốc gia trong RCEP. Như ở khu vực châu Á chiếm tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch XK của Bà Rịa - Vũng Tàu với 63,01%, tăng 26,42% so với cùng kỳ năm rồi. Theo các DN, nhờ các ưu đãi thuế quan trong RCEP đã tạo thuận lợi cho XK, đặc biệt là hải sản, nông sản (những mặt hàng có thế mạnh của địa phương).

Bàn thêm về thị trường RCEP, Ts. Erhan Atay (đại học RMIT) nhấn mạnh thương mại điện tử và các dịch vụ kỹ thuật số mới sẽ xoá bỏ đường biên giới và cho DN nhỏ của Việt Nam có cơ hội tiếp cận với khách hàng mới trên toàn cầu. Nhất là với nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm nông nghiệp có thể tạo cơ hội cho DN Việt tiếp cận với tất cả khách hàng thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

    Theo Thế Vinh

https://vnbusiness.vn/giao-thuong/nhieu-du-dia-cho-xuat-khau-nong-san-vao-thi-truong-moi-1084672.html

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn