null Cơ hội hợp tác 3 lĩnh vực tiềm năng ở thị trường khối Pháp ngữ

Trang chủ Thông tin thị trường

Cơ hội hợp tác 3 lĩnh vực tiềm năng ở thị trường khối Pháp ngữ

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay thì việc khai thác các thị trường Phi, Mỹ La tinh, thị trường Pháp ngữ sẽ giúp bổ sung cho thị trường ở khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và xung đột. Tuy nhiên, để khai thác tốt, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ kiến thức và thông tin thị trường.

Cơ hội lớn để hợp tác, đầu tư

Thông tin tại Diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ tại TP. Hồ Chí Minh ngày 22/3, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch thường trực Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) chiếm 14% dân số, 20% trao đổi thương mại và 16% GDP toàn cầu. Đây là khu vực kinh tế có triển vọng phát triển mạnh mẽ và nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên.

Thống kê về quan hệ thương mại, Việt Nam hiện có trao đổi thương mại với 44/54 quốc gia thành viên chính thức của OIF. Nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam gồm gạo, điện thoại di động và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, xe máy và linh kiện phụ tùng xe máy... Trong đó, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng dần trong những năm gần đây và đạt 589,4 triệu USD trong năm 2019, chiếm 14,9% thị phần gạo nhập khẩu của các nước Pháp ngữ tại Châu Phi và chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thế giới.

Diễn đàn doanh nghiệp Pháp ngữ là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Phái đoàn thúc đẩy
hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Pháp ngữ (MECA) tại Việt Nam, diễn ra từ 21-26/3/2022.

Ngược lại, các nước Pháp ngữ tại Châu Phi là những thị trường cung cấp nhiều nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng phục vụ các ngành sản xuất trong nước của Việt Nam như: điều thô, bông, đồng, gỗ và sản phẩm gỗ. Cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai bên về cơ bản mang tính chất bổ sung lẫn nhau.

Trong lĩnh vực đầu tư, có 16/54 quốc gia thành viên OIF đang có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Ngược lại, một số tập đoàn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cũng đã đầu tư tại châu Phi trong các lĩnh vực như khai thác dầu khí, viễn thông, thủy điện, chế biến gỗ...

Bà Louise Mushikiwabo - Tổng thư ký OIF - đánh giá, Việt Nam là một quốc gia năng động và sẵn sàng vượt biên giới để khai thác những cơ hội đầu tư, kinh doanh, trong đó có các nước thành viên OIF. Điều này thể hiện tinh thần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, tạo ra nhiều hoạt động kết nối đầu tư, kinh doanh và đây cũng là mục tiêu của MECA tại Việt Nam lần này.

Một trong những định hướng của OIF ở giai đoạn 2021-2025, là thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa các nước thành viên và với nhiều quốc gia trên toàn cầu. Theo đó, Việt Nam là đất nước tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài được doanh OIF đánh giá cao. Cụ thể, MECA tại Việt Nam lần này tập trung vào ba lĩnh vực là nông nghiệp và công nghiệp chế biến; năng lượng tái tạo; kỹ thuật số.

Doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ

Đánh giá cao về cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp Pháp ngữ, ông Nguyễn Hữu Trí - Giám đốc Công ty TNHH Trí Việt khẳng định, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động như hiện nay thì việc khai thác các thị trường Phi, Mỹ La tinh, thị trường Pháp ngữ là rất quan trọng để bổ sung cho các thị trường đang bị trở ngại bởi dịch bệnh và xung đột.

Tuy nhiên, để khai thác tốt thị trường Pháp ngữ, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ cả về nguồn lực tài chính cũng như kiến thức pháp luật, thông tin thị trường. Phân tích kỹ hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Trí cho biết, với các doanh nghiệp Pháp ngữ tại Châu Phi, chúng ta đang gặp thách thức cả về số lượng sản phẩm cũng như thách thức về pháp luật. Hiện nay doanh nghiệp chưa hiểu được một số nước trong thị trường châu Phi họ thực hiện công tác giao thương với Việt Nam như thế nào. Đây là vấn đề lớn rất khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam. “Trong quá trình phát triển, chúng tôi chưa từng tiếp xúc với một doanh nghiệp nào ở Châu Phi, chưa từng có 1 thông tin gì về doanh nghiệp ở Châu Phi. Điều này khiến chúng tôi không có 1 khái niệm hay một sự mạnh dạn nào trong việc đưa hàng vào thị trường này”, ông Nguyễn Hữu Trí nhấn mạnh.

Ông Phạm Minh Tuấn - Phó Chủ tịch Công ty CP BamBoo Capital cho rằng, cơ hội hợp tác giữa Việt Nam với các doanh nghiệp Pháp ngữ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo là rất lớn. Song năng lượng tái tạo là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, do vậy khi triển khai ra nước ngoài, doanh nghiệp cần có tiềm lực tài chính mạnh, lợi thế cạnh tranh và chi phí vốn rẻ. Đây là những thách thức lớn cho doanh nghiệp. “Chúng tôi dự định 1, 2 năm tới sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa ở trong nước và sau đó sẽ phát triển ra cộng đồng quốc tế, bao gồm các nước trong cộng đồng Pháp ngữ. Hiện chúng tôi mong muốn mô hình hợp tác giữa 2 bên, cùng đầu tư tại Việt Nam hoặc cùng phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam để cung cấp cho các nước trong cộng đồng Pháp ngữ”, ông Phạm Minh Tuấn chia sẻ.

Theo Hà Duyên

https://congthuong.vn/co-hoi-hop-tac-3-linh-vuc-tiem-nang-o-thi-truong-khoi-phap-ngu-173682.html?gidzl=21yWOymkRry20YDdm3XlM0GD8MFSEMe9I0bsDTewFmaVN20nt6qx3Hm9TMM8Q35S6mXuPsFs0dqEpoLjMG

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn