null Mở rộng thị trường để giảm áp lực xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Trang chủ Thông tin thị trường

Mở rộng thị trường để giảm áp lực xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc

Bộ NN-PTNT đang cùng với nhiều Bộ, ngành, địa phương chủ động đưa ra các giải pháp phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc.

Bộ NN-PTNT đang cùng với nhiều Bộ, ngành, địa phương chủ động đưa ra các giải pháp
phù hợp để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng Trung Quốc là thị trường lớn của Việt Nam và điều quan trọng hiện nay là thực hiện 2 Lệnh 248, 249 trong xuất khẩu nông sản.

“Vấn đề này được cả Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành quan tâm, chỉ đạo. Khi gặp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam - Hùng Ba vào cuối năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có thư gửi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, sau đó là điện đàm giữa 2 lãnh đạo. Phía Trung Quốc khẳng định, sẽ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương sớm giải quyết việc thông quan nông sản với Việt Nam”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc vẫn kiên trì thực hiện chính sách "Zero Covid" nên vẫn siết chặt quy trình kiểm soát đối với tất cả các mặt hàng, các quốc gia nhập khẩu vào, không chỉ riêng Việt Nam.

Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo các Bộ NN-PTNT, Công thương và Y tế cùng giải quyết các khó khăn khi thông quan.

“Đối với Bộ NN-PTNT, chúng tôi có nhiều giải pháp, trong đó phải kể đến 2 Lệnh 248 và 249, Bộ đã có văn bản, truyền thông đến các địa phương, doanh nghiệp”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết.

Theo Thứ trưởng, đến nay đã có 3.646 giấy phép vùng trồng, vùng nuôi được cấp, tương đương với 1.000 doanh nghiệp, đáp ứng được cho cả xuất khẩu tiểu ngạch và chính ngạch và không chỉ Trung Quốc mà xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… nông sản Việt Nam đều có thể đáp ứng được.

Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa ra các giải pháp, trước mắt là ra thông tư để chỉ các địa phương, các sản phẩm đạt được tiêu chí Lệnh 248, 249 thì mới đưa lên xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán để mở rộng danh sách các nông sản xuất khẩu chính ngạch với Trung Quốc hiện nay bên cạnh 9 sản phẩm đã có. Ngoài ra, chúng ta phải nghiên cứu mở rộng thị trường để giảm áp lực xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, thu lại giá trị lớn hơn.

Phương thức mới ở cửa khẩu

Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Quốc vụ viện, các lệnh về an toàn thực phẩm của Trung Quốc 215, 219 được áp dụng rất chặt ở các địa phương và Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm soát rất chặt vấn đề này.

Do đó, quá trình thông quan các xe hàng nhập khẩu vào Trung Quốc hiện nay rất khác trước đây, kiểm soát cả con người, phương tiện, bao vì và sản phẩm. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nhân công ở khu vực cửa khẩu do người Việt không nhập cảnh được cũng ảnh hưởng đến khả năng bốc xếp hàng hóa.

Vì vậy, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, cần có phương thức mới về giao hàng và giải pháp “cắt container” vừa được thí điểm tại Lạng Sơn cho thấy hiệu quả cao. Sau quá trình thử nghiệm, chúng ta sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá và nhân rộng phương án này ra các địa phương khác như Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh.

“Chúng tôi tin tưởng với phương thức giao hàng không tiếp xúc này, quá trình thông quan sẽ được cải thiện và giải quyết được vấn đề xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, không chỉ chính ngạch mà còn cả tiểu ngạch.

Cùng với nhiều giải pháp đồng bộ khác đã nêu ở trên, có thể tin tưởng rằng kim ngạch thương mại nông sản giữa Việt Nam - Trung Quốc sẽ không dừng lại ở mức 9,4 tỷ USD và 2 thị trường sẽ bổ sung cho nhau chứ không phải cạnh tranh, đối đầu”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nói.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT bày tỏ tin tưởng vào hiệu quả của phương pháp thông quan mới
đang được thí điểm tại Lạng Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Đề cập đến quá trình đàm phán mở rộng danh sách nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói sau thành công của thạch đen, quá trình có chậm lại do nhiều yếu tố.

Đó là thay đổi của Trung Quốc trong quy định về an toàn thực phẩm và hải quan, ảnh hưởng dịch Covid-19. Điều này ảnh hưởng đến quá trình kiểm tra, đàm phán hay thanh tra trực tiếp.

Mặc dù vậy, Bộ NN-PTNT đã có nhiều nỗ lực để có thể đàm phán trực tuyến. Nhưng bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc thêm của Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao để có thể đẩy nhanh được tiến độ.

 

Theo Hà Linh

https://nongnghiep.vn/mo-rong-thi-truong-de-giam-ap-luc-xuat-khau-nong-san-sang-trung-quoc-d317296.html

Ý kiến của bạn

Ý kiến bạn đọc (0)

Thanh tra

Đơn vị chủ quản: Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Đồng Tháp
Giám đốc: Lương Văn Phú
Địa chỉ: Khối các cơ quan đơn vị sự nghiệp tỉnh Đồng Tháp, Số 10 Lê Thị Riêng, P. 1, Tp. Cao Lãnh, Đồng Tháp
Điện thoại: 0277.3.853.382 – Email: tmdldt@dongthap.gov.vn